Thiếu máu thiếu sắt là vấn đề sức khỏe được nhiều mẹ bầu quan tâm, nhưng không phải ai cũng có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Sắt là thành phần không thể thiếu đối với cơ thể. Nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng cao bởi sắt tham gia tạo máu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo nhân và phân chia tế bào, tạo ra những tế bào mới.
Trong 10-16 ngày khi bắt đầu thụ thai, các tế bào thần kinh của thai nhi được tạo ra hàng loạt nhờ sắt và acid folic. Nhiều bà mẹ trước khi mang thai không hề biết mình bị thiếu máu.
Thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng như thế nào?
Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng, cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt.

Có 3 giai đoạn thiếu sắt được phân biệt bởi lượng sắt chức năng, sắt vận chuyển và sắt dự trữ.
Phụ nữ mang thai bị thiếu máu thiếu sắt sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong, sinh non. Bản thân người mẹ không đủ sữa, cảm xúc bất ổn, còn trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt, để lại hậu quả lâu dài như kém phát triển nhận thức, giao tiếp, học tập và sinh hoạt kém.
Giải pháp phòng ngừa cho mẹ bầu
Để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt, mẹ bầu cần bổ sung sắt từ thực phẩm giàu chất sắt hoặc dùng thuốc. Những loại thực phẩm giàu sắt có thể kể đến thịt nạc, thủy hải sản, trứng, các nguồn thức ăn thực vật như đậu đỗ, vừng, lạc… Mẹ cũng cần bổ sung thức ăn giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt.

Trong khi đó, thuốc sắt dùng cho bà bầu phụ thuộc vào nhu cầu của từng người, thời kỳ thai và mức độ thiếu máu thiếu sắt. Lượng sắt nguyên tố mỗi ngày có thể từ 50 mg, 100 mg hoặc hơn, sử dụng liên tục từ khi mang thai đến sau sinh.
Khi uống thuốc sắt, mẹ bầu cần lưu ý sắt dùng đường uống có thể có tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa, cản trở sự tuân thủ thuốc và ảnh hưởng đến sức khỏe như bị táo bón, buồn nôn, đau thượng vị, nóng trong.
Để tránh các tác dụng phụ này, mẹ bầu cần sử dụng thuốc đúng hướng dẫn, liều lượng, chọn loại thuốc sắt phù hợp.